Đến với “Lâu đài thép” nhà giàn Huyền Trân giữa biển cả mênh mông


Nhìn từ tàu HQ 936, vẻ đẹp nhà giàn Huyền Trân nổi lên như một tổ chim khổng lồ giữa biển cả mênh mông. Dưới chỉ có biển và biển, xung quanh đều hợp kim sắt thép, ấy vậy mà trong “căn hộ” Huyền Trân vẫn có chuồng chăn nuôi ngan, chó, những ô rau xanh mơn mởn với mùng tơi, rau lang, dền, ớt cay…

Trong chuyến thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK I của đoàn công tác, hải trình đến với nhà giàn Huyền Trân là thách thức nhất với những đợt sóng lớn. Kể từ đầu năm 2011 tới nay, hầu hết cán bộ, chiến sĩ các tàu khi qua khu vực nhà giàn đều không thể xuống xuồng lên nhà giàn do sóng mạnh cấp 4, cấp 5 trở lên. Hồi đầu tháng 4, một tàu Hải quân chờ nửa ngày sóng không giảm, đành neo cách nhà giàn nửa hải lý, đoàn công tác trên tàu và cán bộ, sĩ quan ở nhà giàn Huyền Trân thăm hỏi nhau qua ống nhòm. Nhìn thấy nhau mà không thể đến được, nước mắt lăn ròng, văn công phải sử dụng loa thùng để ở tàu, volume mức cao nhất, hát dành tặng những người lính nhà giàn vẫy tay phía đầu sóng…

Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Huyền Trân.

Lần này, thời tiết ủng hộ nhưng các đợt sóng dồn dập khiến chiếc xuồng chở đoàn công tác vẫn rất khó tiếp cận cột neo. Để leo lên nhà giàn, người đứng dưới xuồng phải chờ khi sóng dềnh lên cao nhất đẩy thành xuồng va đập vào cột neo, tức khắc bám lấy thang sắt và rút chân. Nếu chậm nửa giây thôi, cơn sóng rút nhanh kéo xuồng bật trở lại có thể nguy hiểm tới tính mạng. Khâm phục ý chí kiên cường của những người lính sống tại nhà giàn, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL – Bộ Công an và Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa cùng các thành viên trong đoàn công tác tìm cách “chế ngự” sóng, lên nhà giàn thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ.

Khu vực thềm lục địa phía Nam nằm ở phía Đông Nam bờ biển nước ta, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía Đông Bắc và Đông khu vực nhà giàn DK I là quần đảo Trường Sa, phía Tây là vùng biển Côn Đảo. DK I có đáy là một bãi thoải từ bờ kéo dài ra đến độ sâu 200m. Từ độ sâu trên 200m trở ra, đáy biển biến đổi nhanh và có độ dốc rất lớn. Trong khu vực này có một dãy cồn cao gần sát mép nước, tạo thành những bãi san hô nổi, các điểm nhô cao cách mặt nước từ 3 đến 20m. Nơi đây, có 9 vị trí bãi ngầm được đặt tên như Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường…

Khu vực vùng biển DK I nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và là tuyến đường hàng hải chính đi qua biển Đông. Khu vực này có nguồn hải sản phong phú, trữ lượng lớn, trong đó nhiều loài thuộc dòng quý hiếm, trữ lượng cao. Đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên trữ lượng lớn, hiện Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Với vị trí quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú như vậy nên vùng biển này có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng – an ninh.

Trở lại lịch sử, năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 160/CT chính thức tuyên bố thành lập cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ thuộc sự quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta tập trung đầu tư, xây dựng, nâng cao số lượng và chất lượng bền vững các nhà giàn trên bãi ngầm khu vực này. Trong đó, tại lô 4, năm 1991, chúng ta đã xây dựng nhà giàn Huyền Trân (DK I/7).

Lên với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Huyền Trân.

Theo Bộ Tư lệnh Hải quân, tính đến năm 2010, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 20 nhà giàn trên 6 bãi ngầm ở khu vực DK I. Quá trình đó, do bão, sóng lớn khiến một số nhà giàn bị đổ như nhà giàn Phúc Tần bị đổ năm 1990, nhà giàn Phúc Nguyên bị đổ năm 1999, nhà giàn Ba Kè bị đổ năm 2000 làm một số cán bộ, chiến sĩ công tác tại nhà giàn nói trên hy sinh. Ngày 15/4, khi đi qua khu vực này, đoàn công tác đã làm lễ thắp hương tưởng niệm, thả vòng hoa tri ân các linh hồn liệt sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tại nhà giàn.

Đến nay có 15 nhà giàn vững chắc trên các bãi ngầm thuộc khu vực DK I. Thường trực tại đây có các lực lượng bộ đội Hải quân cùng cán bộ, nhân viên các ngành thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm hàng hải, khí tượng, thuỷ văn, dầu khí.

Nhà giàn Huyền Trân – nơi đoàn công tác của Bộ Công an tới thăm và làm việc, đặt ở vị trí có độ sâu từ mặt san hô lên đến mặt nước biển khoảng 12-15m, độ cao từ mặt nước biển lên sân thượng khoảng 15m. Đây là nhà giàn được thiết kế, chế tạo đáp ứng các hoạt động công tác hằng ngày, thiết kế chống rung lắc khi sóng lớn, bão mạnh. Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa cho hay, kết cấu nhà giàn có độ bền cao, có thể chịu được sóng trên cấp 12.

Nhìn từ tàu HQ 936, vẻ đẹp nhà giàn Huyền Trân nổi lên như một tổ chim khổng lồ giữa biển cả mênh mông. Trên “lâu đài thép” ấy, cán bộ, chiến sĩ Hải quân và cán bộ khí tượng, ra đa làm việc với sức bền và độ dẻo dai đặc biệt. Diện kiến trực tiếp, nhà giàn thiết kế như một căn hộ với các  phòng khách, ngủ, bếp, các phòng lắp đặt thiết bị nghiệp vụ chuyên môn. Dưới chỉ có biển và biển, xung quanh đều hợp kim sắt thép, lên xuống bằng các bậc thang thép dốc đứng, ấy vậy mà trong “căn hộ” Huyền Trân vẫn có chuồng chăn nuôi ngan, chó, những ô rau xanh mơn mởn với mùng tơi, rau lang, dền, ớt cay…

Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng có thâm niên nhiều năm làm việc tại nhà giàn, mỗi năm về thăm nhà chỉ một lần. Ở nhà giàn thì nhớ đất liền, ấy vậy mà vừa về đất liền ít ngày đã nhớ nhà giàn, nhớ cọng rau vươn mình giữa biển khơi nắng gió, nhớ đàn ngan lạch bạch đòi thức ăn mỗi khi anh em cho ăn. Ở đây cá nhiều vô kể, nhiều loài anh em không biết tên gọi là cá gì, cứ bảo cá Huyền Trân. Đêm xuống, lọt dưới ánh điện nhà giàn, cá các khu vực xung quanh thấy ánh sáng bơi vào đồng loạt đến mức tưởng chỉ thả câu móc xuống là bắt được, có con nặng hàng chục kilôgam. Dưới hốc đá nhà giàn có cả tôm hùm, cua biển nặng tới 3-4kg.

Nghe chuyện bắt cá dễ như thò tay trong chậu, ai cũng háo hức. Nhiều người thử tài câu móc, đàn cá đông như trẩy hội, vậy mà chúng “biết ý” lảng đi cả, tất thảy đều kéo lên cần câu chỉ có… chì! “Thôi, để cá quanh quẩn nơi đây với chiến sĩ vậy”.

Không câu được cá, nhiều người tìm đến bếp chiến sĩ nằm trên tòa thượng. Món cá kho của chiến sĩ khiến tất thảy ngạc nhiên, rằng chưa bao giờ thưởng thức vị cá ngon đến vậy. Tôi thì nghĩ, cá ngon không chỉ vì cá biển tự nhiên, mà còn bởi địa điểm và thời điểm đặc biệt ý nghĩa như thế này: giữa biển cả mêng mông, giữa “lâu đài thép” chỉ nắng và gió, giữa sức bền và dẻo dai của những người lính, giữa bao gian truân, vất vả để những người sống ở đất liền vượt con sóng dữ dằn đến với đồng chí, đồng đội miệt mài làm nhiệm vụ. Có người ngoảnh qua hình lục giác căn hộ thép nơi biển khơi đã thấy thời trai trẻ của mình đi qua tự lúc nào, như sóng biển, như gió trời, như chương mục trang sách… Vậy đấy, nhưng lòng say mê, tình yêu và nhiệt huyết luôn rạo rực, cháy bỏng…

Chứng kiến nỗi gian truân của những người sống trên nhà giàn, nước da họ sánh màu biển, màu nắng, thế mà bức tường hội trường “trang điểm” biết bao phần thưởng quý giá: huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen…

Nói chuyện với những người sống ở nhà giàn, Thiếu tướng Trần Bá Thiều chia sẻ: Cùng với đảo chìm, đây là nơi khắc nghiệt, gian truân nhất. Nhưng chính trong gian khó, thách thức, cán bộ chiến sĩ Hải quân và những ngành liên quan đã khẳng định rõ ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm, những phẩm chất cao quý, tôi luyện nơi đầu sóng. Món quà vật chất, món quà tinh thần gửi tặng những người sống ở “lâu đài thép” Huyền Trân, vì vậy càng có ý nghĩa vô cùng.

Source: Đăng Trường (cand)


(Theo www.lehonganh.net)

0 nhận xét:

Post a Comment