Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dự lễ kỷ niệm 80 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Đánh dấu chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển trong suốt 80 năm qua, sáng 24-5, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh- Ủy viên Bộ chính trị dự lễ kỷ niệm 80 năm thành lập tỉnh Gia Lai (24-5-1932 – 24-5-2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức.

Tham dự buổi lễ còn có Thượng tướng Trần Đại Quang-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; các vị lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương cùng đại biểu mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVT Nhân dân, Anh hùng Lao động; các bậc lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo tỉnh, cùng đại diện đồng bào-đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng Thượng tướng Trần Đại Quang dự buổi lễ
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng Thượng tướng Trần Đại Quang dự buổi lễ
Tại buổi lễ, toàn thể đại biểu tham dự đã cùng ôn lại lịch sử hình thành, chiến đấu và phát triển của tỉnh Gia Lai: Sau khi thiết lập bộ máy cai trị trên địa bàn Bắc Tây Nguyên, đến ngày 24-5-1932, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập tỉnh Pleiku. Ngày 20-9-1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày 12-8-1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa VIII) Gia Lai-Kon Tum tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Trong suốt chiều dài của cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng kính yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thu giang sơn về một mối.

Sau ngày giải phóng, đất nước được thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản động Fulro và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và tạo tiền đề về kinh tế-xã hội của tỉnh cho bước phát triển tiếp theo.

Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ, ông Phạm Thế Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tóm tắt một số nét quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và thành quả đạt được của tỉnh nhà: Trong hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 3.356 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển toàn diện nông-lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đã hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp; xây dựng được hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các khu, cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng cao hàng năm; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Vui mừng với những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai phấn đấu xây dựng và phát triển vững mạnh như ngày hôm nay. Thay mặt Đảng, Nhà nước, ông Lê Hồng Anh- Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có lời chúc mừng, đồng thời đề nghị Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Huy động tối đa các nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nông dân nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chú trọng sản xuất nông nghiệp chất lượng hiệu quả; không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; kiên quyết loại trừ một số hoạt động tín ngưỡng có tính hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tà đạo đang tồn tại gây mất an ninh trật tự trong cộng đồng; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, khám chữa bệnh nhất là tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn… Đồng thời ông tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thách thức, xây dựng Gia Lai thành tỉnh giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo trên, thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ông Hà Sơn Nhin- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu của ông Lê Hồng Anh đã đánh giá, đóng góp đối với tỉnh và hứa sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến chỉ đạo sâu sắc và sẽ cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả trong thời gian đến.

Ghi nhận những thành tích Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được qua 80 năm xây dựng và phát triển; nhân dịp này Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã trao tặng Huân chương cao quý cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.

Theo (GLO)

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh họp Hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị, ngày 18/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị phổ biến mục đích, yêu cầu, nội dung góp ý kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tới các đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
Các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; các đồng chí nguyên Bí thư, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nguyên Bộ trưởng và tương đương đã nghỉ hưu tại khu vực phía Nam đã tham dự.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã làm rõ thêm những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, nêu bật các nhóm giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

Theo đồng chí Lê Hồng Anh, trên cơ sở kiểm điểm của tập thể, cá nhân, từ đó xác định được những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế yếu kém trong công tác xây dựng Đảng.

Việc tổ chức kiểm điểm phải được tiến hành nghiêm túc, thẳng thắn, đúng yêu cầu, nội dung, thời gian mà Trung ương và Bộ Chính trị đã đề ra. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, đảng viên cấp trên gương mẫu kiểm điểm trước để nêu gương, cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện theo.

Đồng chí Lê Hồng Anh cũng đã phổ biến đến các đồng chí tham dự mục đích, yêu cầu, nội dung việc góp ý kiến kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Theo (ĐCS)

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh họp sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 15/4/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để mỗi người tốt hơn, trong sáng hơn, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn.

Trước giờ khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự hội nghị đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu bật những mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân, giới thiệu những cách làm hay, những kinh nghiệm, sáng kiến tốt, đề xuất, bổ sung những biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị trong thời gian tới.

Các đại biểu nhấn mạnh, cần đưa việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, trong đó có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và quân ta tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và chuẩn bị kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác, việc tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, soi lại mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư hoan nghênh, thời gian qua các ngành, các cấp đã làm được nhiều việc, có nhiều tìm tòi sáng tạo, nhiều sáng kiến nhằm tích cực triển khai Chỉ thị 03. Kết quả thực hiện thể hiện rõ trong nhận thức và hành động, các cấp, các ngành đã quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà trọng tâm là đẩy mạnh việc làm theo.

Các nội dung học tập và làm theo Bác đã dần được đưa vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, gắn với nhiệm vụ chính trị và chức trách nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, nằm trong các chương trình kế hoạch, phong trào thi đua đang được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai; đã có những chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, giữ gìn lối sống của cán bộ, đảng viên và trong thái độ ứng xử đối với nhân dân; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm ở địa phương, ngành, đơn vị mình, mang lại kết quả bước đầu và cho kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 nhìn chung còn chậm. Một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương chưa hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm cụ thể được giao trong Kế hoạch của Ban Bí thư, ảnh hưởng đến kết quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị.

Trong tổ chức thực hiện nội dung Chỉ thị, nhiều việc còn lúng túng, nhất là trong các hoạt động cụ thể ở địa phương và cơ sở. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị chưa tạo được sự hồ hởi, phấn khởi, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia. Một số nơi, việc học tập và làm theo gương Bác mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức, chưa có các nội dung thiết thực, thiếu sức thuyết phục.

Tổng Bí thư yêu cầu, sau Hội nghị này, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư.

Để bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị 03 ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, cần có nhiều điều kiện, trong đó pháp luật là tối thượng, nhưng đạo đức nhân văn bền vững hơn, pháp trị nhưng còn có đức trị. Vai trò của cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn là rất quan trọng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh lên một bước việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thông qua các chương trình kế hoạch hành động cụ thể, các phong trào thi đua thiết thực, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt việc tốt. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi người tốt hơn, trong sáng hơn, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn.

Theo (TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm việc với đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Lai Châu

Sáng 9/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tiếp đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Lai Châu về Hà Nội trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác vận động quần chúng với các tỉnh khu vực phía Bắc.


Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương tỉnh Lai Châu đã tổ chức chuyến đi thiết thực, giúp nâng cao kinh nghiệm cho các cán bộ làm công tác vận động quần chúng của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, từ khi thành lập tỉnh Lai Châu đến nay, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách Đảng và Nhà nước; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, từng bước được nâng lên. Hiện Lai Châu đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng được tăng lên đáng kể. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng khởi sắc, văn hóa truyền thống của các dân tộc được phát huy; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Bên cạnh những kết quả đáng mừng đã đạt được, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ, Lai Châu hiện vẫn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thấp, nước sinh hoạt cho đồng bào còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trên 41% là lớn so với bình quân cả nước…Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, đây là những vấn đề cần lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu cũng như công tác vận động quần chúng.

Nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Lai Châu cần suy nghĩ nội dung, phương thức vận động phù hợp với đồng bào các dân tộc, phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí lưu ý, công tác vận động quần chúng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể. Để vận động được bà con hiểu và thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các cán bộ làm công tác vận động quần chúng cần phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con để từ đó vận động sát thực, hiệu quả, qua đó nâng cao vị thế của tổ chức đoàn thể, tăng uy tín với bà con.

Lai Châu hiện có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào các dân tộc, đời sống của bà con Lai Châu ngày càng đổi mới, phát triển. Hiện có 86% số hộ được sử dụng điện, 67% gia đình được công nhận văn hóa… Tuy đời sống của bà con có rất nhiều thay đổi tích cực nhưng Lai Châu vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đường giao thông đi lại còn khó khăn là một trong những mặt còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện vẫn còn 2 xã chưa có đường đến trung tâm. Trong đời sống của bà con vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu… Bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, bà con mong muốn tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện bằng các chương trình hỗ trợ cụ thể để đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu ngày càng no đủ, hạnh phúc, xây dựng quê hương Lai Châu giàu đẹp, phát triển.

(Theo TTXVN)

Ông Lê Hồng Anh tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ

Ngày 3/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh cùng Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội và các thành viên trong đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ tiếp tục lần lượt tiếp xúc cử tri tại hai quận trung tâm Bình Thủy và Ninh Kiều.


Tại hai điểm tiếp xúc, Đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ đã thông báo đến cử tri dự kiến tóm tắt những vấn đề quan trọng sẽ thảo thuận, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sẽ diễn ra từ ngày 21/5-21/6 tới đây; thông báo về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quí 1 và 4 tháng đầu năm năm nay với những thuận lợi khó khăn, cái được và chưa được. Các đại biểu cũng đã nêu một số vấn đề trọng tâm Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, một số chương trình xây dựng dự án luật, sửa đổi một điều luật của một số bộ luật…

Cử tri cho rằng, các cuộc họp của Quốc hội và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới trong chất vấn, trả lời chất vấn, trong đó rất hoan nghênh các cuộc họp trực tuyến để các bộ ngành đối thoại trực tuyến trả lời cử tri.

Đồng thời, cử tri cũng bày tỏ băn khoăn tình trạng tham nhũng, một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất, ý chí chiến đấu, tha hóa, cơ hội, vô cảm, thực dụng vẫn đang tồn tại đương chức làm mất dần niềm tin của nhân dân. Vấn đề tai nạn giao thông, chất lượng công trình giao thông bị rút ruột... chưa được đẩy lùi.

Cử tri kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y trế và bảo hiểm thất nghiệp, chương trình đào tạo nghề... Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều bất cập, các bộ ngành chức năng nên có kế hoạch sản xuất cung-cầu hài hòa tránh tình trạng “ điệp khúc” được mùa rớt giá như hiện nay.

Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đề đạt của cử tri, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh biểu dương tinh thần đóng góp xây dựng thẳng thắn của cử tri, cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của cử tri thành phố Cần Thơ.

Với tinh thần công khai, dân chủ, thẳng thắn, ông Lê Hồng Anh báo cáo bổ sung tóm tắt chương trình kỳ họp của Quốc hội sắp tới; tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội-quốc phòng, an ninh của đất nước; hệ thống lại kế hoạch và 7 nhóm giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, đồng thời trao đổi một số vấn đề cử tri quan tâm.

TTXVN

Đính chính vụ Văn Giang - Ecopark và bà Nguyễn Thanh Phượng

Ban biên tập nhận nguồn tin từ Cộng tác viên cho biết: Ngày 2/5/2012, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) là ông Đào Ngọc Thanh, đã ban hành công văn số 83/CV-VH gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương trong cả nước với mong muốn các cơ quan truyền thông giúp ông Đào Ngọc Thanh làm sáng tỏ thông tin về việc bà Nguyễn Thanh Phượng với nội dung:



Hình ảnh công văn của công ty “Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” gửi cơ quan báo chí
Nội dung trong bản công văn được ông Đào Ngọc Thanh khẳng định rõ: “Sau khi cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 24/4/2012, trên mạng Internet xuất hiện một số thông tin cho rằng “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) và Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng là một.

Trước thông tin này, Tổng giám đốc khẳng định “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” hoàn toàn không liên quan gì tới Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng”, mọi thông tin về pháp lý của công ty, hoàn toàn có thể kiểm chứng tại cổng thông tin Doanh nghiệp và đầu tư Hưng Yên. Đường dẫn: http://hungyenbusiness.gov.vn. Và kể từ năm 2003 thành lập công ty đến nay, “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng”(Vihajico), chưa từng thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng bất kỳ lần nào. Tổng giám đốc công ty hiện nay là ông Đào Ngọc Thanh, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lương Xuân Hà, chứ không phải theo một số tin đồn thất thiệt là Bà Nguyễn Thanh Phượng mà cộng đồng mạng đã đồn đoán.

Chúng tôi khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng hoàn toàn không liên quan gì tới dự án Ecopark, cũng như không có bất cứ vai trò pháp lý nào trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng.

Nội dung chi tiết bản công văn của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng:



Nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/tin-nong-cong-ty-cp-dt-pt-do-thi-viet-hung-dinh-chinh-ve-vu-viec-ecopark.html

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ

Trong hai ngày 2 và 3/5, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ; bà Trần Hồng Thắm, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Cần Thơ đã đến tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt, Bình Thủy và Ninh Kiều, trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII (QH khóa XIII).


Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ báo cáo với cử tri về dự kiến thời gian, chương trình, nội dung của Kỳ họp thứ 3 và trả lời một số ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ hai (QH khóa XIII). Nhiều cử tri cho rằng, hiện nay chế độ phụ cấp cho cán bộ các đoàn thể ở ấp và khu vực còn thấp, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu nâng mức phụ cấp, có các chế độ bảo hiểm cho các đối tượng này. Cần quan tâm chăm lo đời sống, bảo đảm chế độ, chính sách cho những người tù chính trị; quan tâm chế độ, chính sách cho các Hội đặc thù. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm ưu tiên kinh phí để đầu tư đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; ưu tiên kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho vùng nông thôn; có chính sách thu hút bác sĩ giỏi về các cơ sở y tế vùng nông thôn công tác.

Cần có giải pháp tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ trên địa bàn để giảm tai nạn giao thông; cần quan tâm đề ra các giải pháp quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Cử tri cũng cho rằng, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội thời gian qua có nhiều tiến bộ, nhiều luật có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, công tác triển khai, thực thi pháp luật của một số cơ quan chức năng vẫn còn có hạn chế nhất định...

Cử tri huyện Vĩnh Thạnh kiến nghị TP Cần Thơ cần đẩy nhanh việc thi công cầu kênh E, xem xét đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Cái Sắn tại xã Thạnh Quới bảo đảm cho người dân địa phương đi lại thuận lợi. Nhiều cử tri đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Vĩnh Thạnh xem xét đầu tư một phần kinh phí để xây dựng nghĩa trang xã Thạnh Lộc; bố trí kinh phí nâng cấp tuyến đường một số tuyến đường giao thông nông thôn liên xã; sớm bố trí tái định cư cho người dân trong vùng quy hoạch Trung tâm Thương mại huyện Vĩnh Thạnh, vì người dân giao mặt bằng xây dựng Trung tâm Thương mại huyện đã 6 năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết; xem xét cho các gia đình thị trấn Vĩnh Thạnh sinh sống ven bờ sông Cái Sắn được tách hộ khẩu… Các cử tri quận Thốt Nốt đề nghị các bộ, ngành Trung ương và thành phố cần xem xét đầu tư xây dựng cây cầu từ phường Tân Lộc qua phường Trung Kiên; nâng cấp mở rộng tuyến đường từ bến phà Tân Lộc đến Bến phà qua Lai Vung. Chính quyền thành phố cần có giải pháp để Công ty CP thủy sản Bình An trả nợ cho nông dân nuôi cá… vì nông dân nuôi cá đang rất khó khăn.

Sau khi tiếp thu những ý kiến đề đạt của cử tri, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh đã cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của các cử tri đối với tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Hồng Anh đã phân tích, giải thích cụ thể một số vấn đề và hứa sẽ chuyển các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương đến lãnh đạo TP Cần Thơ xem xét giải quyết, trả lời cho cử tri được rõ. Còn những ý kiến cao hơn, Đại tướng Lê Hồng Anh sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng của Quốc hội xem xét.

Theo CAND

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh: Sóc Trăng mít tinh kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh

Sáng 28/4, tỉnh Sóc Trăng tổ chức mít tinh kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh và 37 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.


Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh các bộ, ban, ngành T.Ư và các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo và đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Võ Minh Chiến nêu bật những thành tựu to lớn mà Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đạt được trong suốt 37 năm sau giải phóng, đặc biệt là 20 năm sau tái lập tỉnh. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên GDP tăng từ 20,75% (năm 1992) lên 34,46% (năm 2011), nhiều sản phẩm của tỉnh như: gạo, thủy sản, nấm rơm, bánh pía… đã có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Sản lượng lúa năm 1992 dưới 1 triệu tấn, đến năm 2011 vượt ngưỡng 2 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2011 là 195.295 tấn, tăng 6,16 lần so với năm 1992. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo năm 1992 chiếm 36,7%, hộ thiếu đói là 27,7%, đến cuối năm 2011 còn 22,68% hộ nghèo, không còn hộ thiếu đói. An ninh chính trị được giữ vững…

Thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trao Huân chương Ðộc lập hạng nhất tặng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 30 cá nhân trong tỉnh.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh biểu dương những kết quả mà Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được thời gian qua đồng thời đề nghị Sóc Trăng chú trọng công tác xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo; quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Coi trọng xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Thanh Vân (Nguồn ChinhPhu)