Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc Tết tại các địa phương


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết tại Bình Định; đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc Tết tại Quảng Trị.
Trong không khí cả nước sôi nổi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 và kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng, ngày 15 và 16/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Định.

Chiều 16/1, gặp mặt thân mật cán bộ chủ chốt và đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy Bình Định đã có nhiều đổi mới và quan trọng là có quyết tâm, khí thế vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn), dâng hoa trước Tượng đài Hoàng đế Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, tưởng niệm vị anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; tham quan các gian trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử và trồng cây lưu niệm tại bảo tàng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: TTXVN.

* Trong hai ngày 15 và 16/1, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đoàn cán bộ Trung ương đã đến thăm và chúc Tết Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị; thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Trị; dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đài tưởng niệm Thành Cổ thị xã Quảng Trị, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở xã Triệu Thành (Triệu Phong)... tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí biểu dương Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu, cố gắng vượt qua khó khăn, đạt được những thành quả quan trọng khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Trong năm 2012 và cả nhiệm kỳ này, Ðảng bộ tỉnh cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, vận dụng sáng tạo những tư tưởng chỉ đạo đó vào tình hình cụ thể của địa phương nhằm đạt được những kết quả thiết thực. Trên cơ sở thực tiễn và điều kiện cụ thể của tỉnh cần khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh về con người, đất đai... gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo vệ môi trường trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Quan tâm hơn nữa đến công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thật sự trong sạch, vững mạnh. Chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp...

PV - Thanh Bình

Quảng Bình cần phát huy tốt lợi thế để phát triển


Tiếp tục chuyến công tác ở các tỉnh miền Trung, ngày 17/1, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 trên địa bàn Quảng Bình.

Tại buổi làm việc, ông Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; chính trị an ninh được giữ vững, kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 11%; cơ cấu kinh tế năm 2010 chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kinh tế biển đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền trên biển.

Đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm. Mạng lưới trường, lớp học, bệnh viện, trạm y tế được mở rộng, cơ sở vật chất phục vụ nhân dân được nâng lên đáng kể. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được đẩy mạnh; công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Quảng Bình cũng đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương...

Đánh giá cao những thành tựu của Quảng Bình đạt được trong những năm qua, ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần tập trung chú trọng vào một số công việc, Quảng Bình là tỉnh còn nghèo so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng đây là vùng đất cách mạng quật cường, nhân dân chịu thương chịu khó, vì vậy lãnh đạo tỉnh phải đoàn kết và khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, phát huy mọi nguồn lực, đưa tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Bình nhiều danh lam thắng cảnh như bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, nhiều di tích, chứng tích chiến tranh... đây là những điểm nhấn quan trọng để phát triển ngành du lịch.

Ông Lê Hồng Anh yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần có cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về tiềm năng của tỉnh để định hướng phát triển. Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển), vì vậy tỉnh phải phát huy tốt tiềm năng lợi thế đó; sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, rừng, khoáng sản... Mọi hành động, việc làm đều phải hướng về việc phục vụ nhân dân./.

Đức Thọ-Hà Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các hội quần chúng


Ngày 12-1, tại Đà Nẵng, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng”.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ và Ban Dân vận các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chỉ thị 42-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng” ngày 6-10-1998 đã khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội với các hội quần chúng.

Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề, nội dung đã triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khoá VIII) trong 13 năm qua, như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng từ khi có Chỉ thị 42-CT/T.Ư đến nay và việc nâng cao nhận thức về hội đối với các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên.

Vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các hội quần chúng, chế độ chính sách đối với cán bộ hội và tạo điều kiện cho các tổ chức hội quần chúng phát triển.

Mối quan hệ phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội với các hội quần chúng và việc phát huy vai trò của các hội là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ các kết quả, bài học kinh nghiệm triển khai trong 13 năm qua, đại biểu dự Hội nghị cũng đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng trong thời gian tới. Đặc biệt là những kinh nghiệm, bài học, nội dung, phương thức, cách làm của các địa phương, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả trong những năm qua, trên cơ sở đó, tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khi tham gia vào các hội quần chúng; huy động được đông đảo các lực lượng xã hội tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương và đất nước.

NGUYỄN THANH TÙNG

Đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả của các hội quần chúng

Ngày 12.1, tại TP.Đà Nẵng, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức hội nghị tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng”. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh: “Chỉ thị 42-CT/TW ra đời đã khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với các hội quần chúng; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân... Hội nghị đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất, như đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng. Ban hành tiêu chí xác định tính chất của các hội... Chỉ đạo xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của các hội quần chúng trong việc tham gia xây dựng, giám sát, tư vấn, phản biện xã hội về các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo giải quyết bản quyền truyền hình


8g sáng 12- 1, ông Võ Quốc Thắng đã ký công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình của VFF với AVG.

Ông Võ Quốc Thắng là chủ tịch HĐQT VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam).

Trong thời gian chờ các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và kết luận, VPF đề nghị Thủ tướng cho phép VTV, VTC, các đài địa phương được phép đưa tin, truyền hình các trận đấu do VPF quản lý, điều hành để phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước.

Các lãnh đạo VPF rời cuộc họp tại Tổng cục TDTT chiều 11-1 - Ảnh: Phong Nguyên

Ngay sau đó, vào lúc 12g trưa, Cổng thông tin điện tử Chính phủ chinhphu.vn đã đưa tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo giải quyết vướng mắc bản quyền truyền hình Giải bóng đá quốc gia.

Cụ thể, công thông tin này nêu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chỉ đạo việc thanh tra Hợp đồng bản quyền truyền hình về Giải Bóng đá quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mọi chuyện xuất phát từ việc tranh chấp bản quyền truyền hình Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (Super League) giữa VPF với Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (AVG).

Việc tranh chấp trên đã ảnh hưởng đến hoạt động truyền hình các trận đấu của Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, hạn chế việc phổ biến hình ảnh của Giải đấu đến đông đảo quần chúng và người hâm mộ cả nước.

K.XUÂN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo vệ an toàn tính mạng người chống tội phạm


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có công điện yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không để sơ hở thiếu sót, bảo vệ an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ phòng, chống tội phạm.

Các lực lượng đồng loạt ra quân trấn áp tội phạm dịp Tết nhâm thìn.

Công điện số 57 của Thủ tướng biểu dương những thành tích đạt được của toàn lực lượng Công an, Quân đội, các lực lượng khác và quần chúng nhân dân đã tham gia trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bắt đầu từ 16/11/20110). Thủ tướng cũng nhấn mạnh đặc biệt những tấm gương anh dũng hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ này.

Trong đợt cao điểm vừa qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án lớn nghiêm trọng, triệt phá 112 băng nhóm tội phạm nguy hiểm; điều tra khám phá 1.068 vụ, bắt, xử lý 1.689 đối tượng gây án, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Trong quá trình tấn công, trấn áp tội phạm đã có nhiều tấm gương mưu trí, dũng cảm chiến đấu quên mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, điển hình là Trung sĩ Đỗ Đăng Long, cán bộ Công an thành phố Hải Phòng đã hy sinh trong khi truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm; Thượng sĩ Lê Thanh Tâm, Công an tỉnh Đồng Nai, hy sinh khi truy bắt đối tượng cướp tài sản; Trung úy Đỗ Mạnh Linh, Công an tỉnh Hòa Bình, hy sinh khi truy bắt đối tượng buôn bán ma túy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh đợt cao điểm vận động toàn dân tích cực tham gia cùng lực lượng Công an tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 và thời gian tiếp theo.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh thành tiếp tục chỉ đạo không để sơ hở thiếu sót, bảo vệ an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an và các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp chống đối người thi hành công vụ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo phát động trong lực lượng công an và Đoàn thanh niên phong trào học tập tấm gương anh dũng hy sinh của các đồng chí Trung sĩ Đỗ Đăng Long - Công an thành phố Hải Phòng, Thượng sĩ Lê Thanh Tâm - Công an tỉnh Đồng Nai, Trung úy Đỗ Mạnh Linh - Công an tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội và nhân dân bị hy sinh, bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ.

P.Thảo

Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị

Ngày 12/1, tại Đà Nẵng, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị - xã hội (như Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam), đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng cho đất nước cũng như trong đời sống của cộng đồng dân cư.

Từ khi có Chỉ thị 42 của Bộ chính trị, Nhà nước đã ban hành các văn bản quản lý về hội và đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một các nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực.

Hiện nay cả nước có 437 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 3.511 hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra còn có hàng vạn hội do quần chúng tự thành lập hoạt động ở phạm vi xã phường, thị trấn; có hàng ngàn tổ chức, viện, trung tâm hoạt động theo chuyên ngành; có 29 loại quỹ có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên ngành cùng hàng ngàn loại quỹ ở các địa phương…

Các hội trong toàn quốc có 18 tờ báo và gần 200, ngoài ra hầu hết các địa phương các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đều có tạp chí và các hội còn lại đều có bản tin để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội; hướng dẫn hội viên hoạt động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm.

Nét nổi bật là  thông qua công tác tư vấn, phản biện xã hội, các hội đã góp phần xây dựng môi trường thực hành dân chủ và hoàn thiện nhà nước pháp quyền; tham gia trực tiếp vào việc giám sát hoạt động của bộ máy công quyền, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước và phản biện xã hội, góp phần hòa thiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước

Đặc biệt, trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hoạt động từ thiện, nhân đạo và khắc phục thiên tai… các hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phong phú đa dạng nhằm nâng cao dân trí, giúp thoát đói, thoát nghèo,  giúp đở người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Các báo cáo và tham luận tại Hội nghị đã nêu lên nhiều vấn đề cần quan tâm, đổi mới để các hoạt động của các hội ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, sau 13 năm thực hiện Chỉ thị 42, Bộ Chính trị có chủ trương chỉ đạo tổng kết ở các cấp các ngành để các cấp ủy đảng đánh giá, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, định hướng, nâng cao hoạt động trong thời gian tới.

Về vai trò quản lý nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các cấp chính quyền  rà soát, đánh giá trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để  để nhanh chóng bổ sung nhằm nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các hội quần chúng. Công tác phối hợp của các cơ quan, ban ngành đối, nhất là MTTQVN đối với các hội quần chúng sớm được cải tiến  để hoạt động  có hiệu quả. Ngoài ra đồng chí Lê Hồng Anh cũng đề nghị quan tâm tới việc thực hiện chế độ chính sách đối với các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này.

Lê Minh