Tập bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa: Chưa xuất bản vì... không có kinh phí!

Hơn 50 bản đồ về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được nghiên cứu, nghiệm thu từ năm 2005. Thế nhưng cho đến nay, tập bản đồ này giờ vẫn còn nằm trong ngăn kéo.

”Việc xuất bản atlas (tập bản đồ) về Trường Sa, Hoàng Sa là thể hiện chủ quyền bằng con đường sử liệu khoa học. Thế nhưng, công việc này lại chưa được chú tâm...”. Đây là ý kiến của TS Nguyễn Thế Tiệp, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và địa vật lý biển, Chủ nhiệm Đề tài KC-09-24 “Biên tập và xuất bản tập bản đồ các điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam và kế cận”.

Nghiệm thu rồi…để đó


Chứng minh cho nhận định của mình, TS Nguyễn Thế Tiệp đã thuật lại chặng đường ra đời của tập atlas về Trường Sa, Hoàng Sa. Tập atlas “Các điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam và vùng kế cận” là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, mã số KC.09.24 thuộc Chương trình Nghiên cứu biển cấp quốc gia giai đoạn 2001 – 2005, do Bộ KH-CN quản lý. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu năm 2005. Theo kế hoạch ban đầu, tập atlas này sau khi biên tập sẽ xuất bản luôn, thế nhưng vì không có kinh phí nên phần xuất bản được để lại sau.



Ngay sau đó, trong Chương trình nghiên cứu biển cấp Nhà nước giai đoạn 2006 – 2010, tập atlas được đưa vào đề xuất xuất bản nhưng dưới dạng một Dự án P (tức dự án sản xuất thử nghiệm) có thu hồi vốn. Khi đó, một tập thể tác giả thuộc Cục Bản đồ, Bộ TN-MT đứng ra đăng ký. Nhưng đáng tiếc, trong đề cương của Dự án thiếu phần dự trù góp vốn của cơ quan nên Dự án không được chấp nhận.

TS Tiệp cho biết, tập bản đồ có tỉ lệ 1: 4.000.000 là loại tỉ lệ nhỏ. Để xuất bản được, nhóm các tác giả phải biên tập ở tỉ lệ lớn hơn (1:1.000.000 và 1: 2.000.000) - kích thước này phù hợp với cho việc sử dụng. Điều đáng nói, phạm vi bản đồ đã bao gồm hết cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các tài liệu ở hai khu vực này lấy từ nhiều nguồn khác nhau, gồm cả tài liệu nước ngoài (Trung Quốc, Đức, Nga, Pháp, Nhật…) và tài liệu khảo sát trong hàng chục năm của chính nhóm tác giả thông qua các chương trình nghiên cứu.


Thấy được việc công bố chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là quan trọng, khi thực hiện Chương Trình biển Đông-Hải đảo (2005-2007), một lần nữa, các tác giả lại tách riêng phần bản đồ các điều kiện tự nhiên và môi trường vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa với tỉ lệ bản đồ lớn hơn. Đề tài được nghiệm thu, nhưng đến nay vẫn còn nằm trong ngăn kéo vì không có nguồn kinh phí xuất bản.

Không thể chậm hơn nữa

“Hoàn thành tập atlas là niềm hạnh phúc đối với các nhà khoa học biển. Điều quan trọng hơn, Việt Nam có thêm chứng cứ để thể hiện với bạn bè quốc tế về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi một số nước tranh chấp chủ quyền đã xuất bản nhiều tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa thì Việt Nam làm rồi để đó”, TS Nguyễn Thế Tiệp buồn bã nói.

Liên quan đến việc công bố bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa, trong một buổi làm việc mới đây của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư sử học Phan Huy Lê nêu ý kiến, việc tổ chức nghiên cứu về biển Đông và quảng bá về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hiện rất hạn chế. Việc làm cần thiết hiện nay là phải sớm quảng bá kiến thức trong cộng đồng.

Trở lại câu chuyện xuất bản atlas Trường Sa, Hoàng Sa, TS Tiệp tính toán kinh phí dự kiến khoảng 4-5 tỉ đồng. Phần kinh phí này dùng cho cả việc chuyển sang tiếng Anh và bổ sung các dữ liệu mới (vì đã qua nhiều năm phải cập nhật thêm thông tin). Toàn bộ có khoảng hơn 50 bản đồ bao gồm tất cả các mặt, ngành nghề, địa chất… của Trường Sa, Hoàng Sa.


Nhóm tác giả cũng đề xuất, để phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng thì nên in thành nhiều tập. Mỗi tập là một nhóm bản đồ chuyên đề, như vậy ai quan tâm đến vấn đề nào thì mua tập chuyên đề đó.

Được biết, năm 2012, Viện Địa chất và địa vật lý biển đã đăng ký kinh phí xuất bản lên Bộ KH-CN nhưng hiện chưa nhận được câu trả lời. 

0 nhận xét:

Post a Comment