Lời kể của thuyền trưởng tàu cá bị tàu hải quân Trung Quốc uy hiếp


Thuyền trưởng tàu cá bị Hải quân Trung Quốc uy hiếp cho hay “Từ đầu năm đến nay, tàu câu mực của ngư dân Trung Quốc “lấn sân” thường xuyên, nhưng chưa có lần nào bị tàu Hải quân Trung Quốc uy hiếp, rồi tàu đánh cá của họ lấn ép như lần này”.

Liên quan đến vụ việc tàu Hải quân Trung Quốc sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp 4 tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên vào chiều 31/5, sáng ngày 2/6, ông Lê Văn Trúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký công văn hỏa tốc gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ngoài việc đề cập những nội dung như Báo CAND đã đưa tin, UBND tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay tàu Hải quân Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tổ chức uy hiếp gây lo ngại đối với ngư dân ta, cản trở ngư dân hoạt động đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống của mình.

Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Ngoại giao sớm can thiệp, tác động phía Trung Quốc và các nước trong khu vực có liên quan, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người và phương tiện của ngư dân hành nghề trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương về bến cá phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên sáng ngày 2/6.

Trong buổi sáng ngày 2/6, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với anh Lê Văn Quang (29 tuổi), trú ở 143A Lê Duẩn, phường 6, TP Tuy Hòa – một trong 40 ngư dân trực tiếp đánh bắt cá ngừ đại dương trên 4 chiếc tàu đã bị 3 chiếc tàu Hải quân Trung Quốc mang số hiệu 27, 28, 989 uy hiếp. Là thuyền trưởng tàu đánh cá PY-92017 do ông Lê Văn Chiến (36 tuổi), trú ở phường 6, TP Tuy Hòa làm chủ, nên anh Quang đã chứng kiến vụ việc uy hiếp bằng vũ khí của Hải quân Trung Quốc

Bằng thái độ bức xúc và phẫn uất, anh Quang nói “Thật là phi lý và ngang ngược. Tụi tui đánh cá ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước Việt Nam, nhưng lại bị Hải quân Trung Quốc cản trở, uy hiếp và đẩy đuổi”.

Ngừng một lát, người thuyền trưởng trẻ tuổi này nhớ lại “Khoảng 16h ngày 27/5, trong lúc tàu PY-92017 do tôi làm thuyền trưởng đang cùng ba chiếc tàu PY-92305, PY-92105, PY-92223 của các anh Lê Văn Giúp, Lê Văn Khang và Lê Thái Bình đang hành nghề ở tọa độ 08 độ 56′N và 112 độ 45′E, cách đảo Đá Đông, huyện Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa 15 hải lý về phía Đông Nam, thì tụi tui nhìn thấy 3 chiếc tàu Hải quân Trung Quốc. Trong đó chiếc tàu lớn nhất mang số hiệu 989 tiến đến rất gần nhóm tàu đánh cá của tụi tui. Khi còn cách tàu PY-92305 của anh Lê Văn Giúp, từ trên tàu 989 có 4 phát súng bắn xuống mặt biển. Lần đầu tiên tui nhìn thấy cảnh tàu Hải quân Trung Quốc uy hiếp bằng vũ khí trắng trợn như thế. Rất may là họ chỉ bắn xuống nước, nên chưa xảy ra thiệt hại về người và tài sản”.

Đề cập tới tàu đánh cá Trung Quốc lấn chiếm ngư trường trái phép, anh Quang cho hay “Từ đầu năm đến nay, tàu câu mực của ngư dân Trung Quốc “lấn sân” thường xuyên, nhưng chưa có lần nào bị tàu Hải quân Trung Quốc uy hiếp, rồi tàu đánh cá của họ lấn ép như lần này. Trước sự uy hiếp đó, tụi tui phải kiềm chế và báo cáo cho cơ quan chức trách qua hệ thống điện đàm Incom để có đối sách phù hợp”.

Được biết, 16h chiều ngày 1/6, Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry – Đội phó Đội kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, thuộc Đồn Biên phòng 352 – Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên và chị Nguyễn Thị Kim Long, vợ của anh Lê Văn Giúp – thuyền trưởng kiêm chủ tàu PY-92305 đã kết nối liên lạc bằng điện đàm Incom và được biết tàu của anh Giúp cùng hai chiếc tàu PY-92105, PY-92223 đã rời khỏi vòng truy bám của tàu Hải quân Trung Quốc, di chuyển đến ngư trường khác để đánh bắt tiếp tục, dự kiến trong hai ngày tới sẽ hướng mũi lái vào bờ.

10h sáng ngày 2/6, phóng viên CAND cùng một số đồng nghiệp ngồi cạnh anh Lê Văn Quang – thuyền trưởng tàu PY-92017 tại nhà riêng để liên lạc bằng Incom với thuyền trưởng ba tàu đánh cá PY-92305, PY-92105, PY-92223 nhưng không kết nối được. Theo anh Quang, có thể tàu chạy trên biển, họ không mở Incom nên chưa thể liên lạc được.

Được biết, từ ngày 25/5 đến trưa 2/6, đã có 118 tàu thuyền của ngư dân ở TP Tuy Hòa từ khơi xa trở về sau chuyến đi đánh bắt cá ngừ đại dương dài ngày trên biển và hiện còn 128 tàu thuyền khác đang hành nghề ngoài khơi xa thuộc vùng biển Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Phú Yên

Trong thời gian gần đây, ngoài việc số lượng lớn tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên lấn sang ngư trường thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một số tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đã bị một số tàu thuyền vũ trang, máy bay quân sự của nước ngoài uy hiếp, rượt đuổi, thậm chí đã nổ súng đe dọa. Đó là những hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Trước thực tế đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước tăng cường đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, yêu cầu phía Trung Quốc và các nước trong khu vực phải tôn trọng, tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, không được xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Mặt khác, Nhà nước ta cần sớm thành lập lực lượng chuyên trách kiểm ngư có đầy đủ trang thiết bị để tổ chức tuần tra cơ động, giám sát bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tiếp tục tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho Bộ đội Biên phòng, đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác và chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Phan Thế Hữu Toàn


(Theo www.lehonganh.net)

0 nhận xét:

Post a Comment